Học tập là cho chính con, vì tương lai tươi sáng của chính con- câu nói vô ích nhất mà cha mẹ thường dùng


cô bé không muốn học


Hãy học tập chăm chỉ cho chính con, vì tương lai của chính con.

Cần rất nhiều điều kiện để con cái chúng ta có thể thành công trong cuộc sống, tất nhiên là như vậy, nhưng rõ ràng tri thức là điều quan trọng bậc nhất, là điều đầu tiên cha mẹ quan tâm và dồn toàn bộ sức lực, tâm trí và tài chính để giúp con đạt được điều đó. Chính vì thế không mối quan tâm nào lớn hơn, được đề cập nhiều hơn, chiếm nhiều thời gian của cha mẹ dành cho con là bàn luận, dạy dỗ, truyền động lực cũng như tranh cãi, căng thẳng, xung đột bằng vấn đề học tập của con. Có một đứa trẻ có động lực học tập, say mê học tập là mơ ước của mọi cha mẹ, và vì thế cha mẹ tìm đủ mọi cách để đẩy, tạo động lực học tập cho con, nhưng không ít trong số những cách ấy chỉ khiến con mất động lực học tập hoặc nhẹ nhàng hơn là “không có tác dụng gì” đến động lực học tập của con cả.

Một trong những cách phổ biến nhất mà cha mẹ dùng mỗi khi thấy rằng con mình đang lơ là việc học, thiếu động lực với học tập ở trường, mải chơi, là sử dụng câu thần chú: “Hãy học tập vì chính con, vì tương lai tốt đẹp của chính con sau này”. Câu thần chú có thể được nói ra một cách nhẹ nhàng như tâm sự, hoặc nghiêm túc như lời giảng dạy sâu sắc hoặc có khi được nói ra như một cảnh báo mang đầy tính đe dọa, giận giữ nhưng rốt cuộc vẫn mang một thông điệp: “Học cho mình, cho tương lai tốt đẹp của chính mình”

Tất nhiên thông điệp đó là rất đúng. Cho đến hiện tại, việc học tập trở nên thuận tiện dễ dàng để tiếp cận hơn và trường lớp có vẻ không là điều tối cần thiết cho tiếp nhận tri thức thì học tập trên lớp, bằng cấp chính thống vẫn đóng vai trò tối quan trọng cho tương lai thành công của một cá nhân. Con đường cơ bản vẫn là những học sinh học tập chăm chỉ rõ ràng có nhiều khả năng đạt thành tích tốt ở trường hơn. Đat thành tích tốt hơn sẽ có bằng cấp tốt hơn, và bằng cấp tốt có nhiều khả năng kiếm được việc làm với mức lương cao hơn và cuộc sống từ đó mà dễ dàng hơn. Cha mẹ có thể làm thay con mọi thứ nhưng không thể học thay con và vì thế “hãy học vì lợi ích của chính mình, vì tương lai tốt đẹp của chính mình”

Nhưng tôi đề nghị các bậc cha mẹ hãy ngưng nói điều đó: Không phải vì nó sai, mà vì nó chẳng có tác dụng gì trong việc thúc đẩy con chúng ta học tập cả.  Và nó sẽ là thảm họa nếu đó là điều duy nhất chúng ta làm và coi đó là đủ để thúc đẩy con ta học tập.

Tại sao bảo con “học tập vì lợi ích, vì tương lai của chính chúng” là vô giá trị.

Tại sao lại nói việc nhắc nhở hay thúc giục con rằng hãy học tập vì lợi ích của chính nó, vì một tương lai tốt đẹp của chính nó lại là câu nói vô giá trị, mặc dù đó là câu nói chính xác, đúng đắn và thực tế. Hãy để tôi chỉ ra cho bạn, nó vô dụng như thế nào khi bạn dùng nó để tạo đôgj lực hay thúc đẩy con bạn học tập chăm chỉ hơn

Lý do thứ nhất. Trẻ em ngày nay không khao khát một “tương lai tốt đẹp hơn”

Khi chúng ta truyền đi thông điệp “hãy học cho mình, vì tương lai tốt đẹp của chính mình” chúng ta đang muốn vẽ ra một tương lai “tốt đẹp” theo mong ước của chúng ta- những người lớn. Công việc tốt, của cải vật chất dồi dào, tự tự do về tài chính, đủ sức lo lắng cho cha mẹ già và con cái nhỏ, yên tâm với mọi biến cố, thay đổi của thế sự.

Nhưng con cái chúng ta có mơ ước như vậy không??

Không!: Trẻ em, thanh thiếu niên thậm chí sinh viên ngày nay không khao khát một “cuộc sống tốt đẹp hơn” hoặc “cuộc sống tốt đẹp hơn không giống chúng ta nghĩ”

Hãy nhớ lại tuổi teen của chính chúng ta khi mà cuộc sống vật chất còn khó khăn, cuộc sống tinh thần còn thiếu thốn, chúng ta nghĩ về một “tương lai tốt đẹp” là như thế nào? Chúng ta mau nhanh chóng thành người lớn để được gì? Đó là lớn lên để thích làm gì thì làm, Đó là đươc tự do vui chơi, được tự do khám phá, không bị gò bó bởi những cấm đoán của cha mẹ, không phải làm bài tập về nhà. Đúng là khác hẳn so với ta của hiện nay nhưng nó không quá khác biệt so với tuổi teen “bây giờ”

Ở các nước phát triển ngày nay, hầu hết trẻ em và thanh thiếu niên đều có nhiều của cải vật chất hơn mức cần thiết. Chúng có nhiều đồ chơi hơn mức chúng có thể chơi, nhiều giày hơn chúng có thể đi, nhiều quần áo hơn họ có thể mặc, nhiều thiết bị điện tử hơn mức họ có thể sử dụng. Và vì thế chúng không bị hấp dẫn bởi “tương lai tốt đẹp hơn” như chúng ta nghĩ.

Ngày nay, giới trẻ đã có cuộc sống thoải mái, nếu không muốn nói là sang trọng, mặc dù không phải tất cả trẻ đều nhận ra điều này, nhưng một số thì có thể nhận thấy điều đó. Và vì thế, họ sẽ không đánh đánh đổi hay trì hoãn sự hài lòng ngay lúc này để lấy cái “tốt đẹp” trong tương lai mà chúng chưa biết rõ. Ví dụ tôi biết một học sinh đã bỏ học năm 14 tuổi vì cô ấy ghét mọi thứ ở trường và ở nhà thì thích hơn.  Dù bố mẹ có nói gì thì cô cũng không chịu đi học. Có những cậu bé cũng trốn học liên tục và cuối cùng ở nhà dù bố mẹ hết lời từ khuyên bảo đến đe dọa. Cậu ta nói: “Tôi thấy việc học chả có gì hữu ích khi mọi kiến thức đã có trên Google và AI có thể thay tôi làm mọi thứ. Tôi chẳng làm được điều gì hữu ích cho cuộc đời mình cả. Nhưng cuộc sống của tôi vẫn khá tốt. Tôi có điện thoại thông minh, tôi có thể truy cập Internet, tôi có một chiếc giường đẹp để ngủ và tôi có máy điều hòa ở nhà.” Trẻ em và thanh thiếu niên không thể tưởng tượng được cuộc sống nếu không có những tiện nghi này.

Ngay cả trong các gia đình không mấy khá giả, trẻ em và vị thành niên hiện nay cũng không phải chịu quá nhiều thiếu thốn trong cuộc sống (các em chịu thiếu thốn lại thường không được đi học nên không gặp vấn đề này). Hầu hết các em cũng không phải tham gia quá nhiều vào việc nhà hay việc mưu sinh nếu không muốn nói là các em hoàn toàn không phải làm việc nhà. Chính vì thế ngay cả khi bố mẹ đảo ngược lại câu thần chú của mình thành “Hãy học cho chính mình, nếu không học thì sau này sẽ khổ cực” thì các em cũng không tưởng tượng ra được khổ cực là như thế nào.

Vì vậy, trong tiềm thức, các em cho rằng cuộc sống của mình sẽ tiếp tục thoải mái, bất kể các em có cố gắng hay lười biếng như thế nào ở trường.

Bởi vì họ đã lớn lên với quá nhiều thứ, họ không cảm thấy cần phải làm việc chăm chỉ để có thể sở hữu nhiều thứ “tốt đẹp” hơn nữa. Họ đã sở hữu rất nhiều thứ tốt đẹp rồi! Điều này có nghĩa là mong muốn đạt được nhiều thành tích hơn không thúc đẩy họ học tập chăm chỉ giống như cách nó đã thúc đẩy mọi người cách đây một hoặc hai thế hệ.

Đây là lý do đầu tiên khiến việc bảo con bạn chăm chỉ học tập để có “cuộc sống tốt đẹp hơn” lại không hiệu quả.

Lý do thứ 2: Đời sống của trẻ em, thanh thiếu niên là “bây giờ và ở đây”

Thanh thiếu niên thường sống theo cách cực kỳ hướng đến hiện tại, tập trung vào vấn đề trước mắt hay nói một cách đơn giản, “cuộc sống là bây giờ và ở đây”. Những gì ở ngay trước mặt họ tiêu tốn năng lượng của họ, và cuộc sống tuổi thiếu niên thường bị thu hẹp lại thành những gì chúng muốn trong thời điểm này (tức là “ý muốn của tôi sẽ được thực hiện”). Điều này khiến thanh thiếu niên có khả năng tự phản xạ kém và hay đổ lỗi cho người khác.

Điều này không thực sự phản ánh rằng thanh thiếu niên đó đạo đức kén hoặc lớn lên sẽ thành người có tầm nhìn hạn hẹp. Đó thực sự là một đặc điểm do não bộ ở thời điểm đang phát triển. Trí nhớ tiềm năng (trí nhớ tương lai) của thanh thiếu niên phát triển chậm và không đồng đều trong thời niên thiếu. Vì nó chưa hoàn thiện nên thanh thiếu niên rất yếu trong khả năng nhận diện những rủi do cũng như thành tựu có thể đạt được trong tương lai do hành vi hiện tại của họ mang lại, trừ khi nó đã thực sự xảy ra và họ đã trải nghiệm nó. Và chính vì thế nói với học sinh rằng họ nên học tập chăm chỉ và làm bài tập về nhà để cuối cùng có thể lấy được bằng tốt nghiệp hoặc bằng cấp. Sau đó, họ có thể có được một công việc được trả lương cao chẳng khác nào những cơn gió lào xào đi ngang qua tai họ. Đối với học sinh, đây không phải là một câu chuyện truyền cảm hứng.

Tương lai, theo cách nghĩ và hiểu của trẻ em, thanh thiếu niên là ngày mai, là 24 giờ nữa, hay là buổi chiều nay, tối nay chứ không phải tính bằng năm hay thập kỷ như chứng ta nghĩ. Chính vì thế thanh thiếu niên sẽ không bỏ thuốc lá vì sợ sẽ bị ung thư khi họ già đi, chúng không bao giờ nghĩ chúng sẽ bị ung thư. Nếu bạn yêu cầu trẻ em hoặc thanh thiếu niên đợi chỉ một năm để có một chiếc điện thoại, trò chơi hoặc thú cưng mới, điều đó dường như là vô tận đối với chúng. Và chúng sẽ không đủ kiên trì để nỗ lực. Vậy mà chúng ta đang kỳ vọng học sinh sẽ học tập chăm chỉ ở trường trong 5, 10 hay 15 năm tới vì phần thưởng mà các em sẽ nhận được khi kết thúc hành trình? Điều đó sẽ không xảy ra – đặc biệt là khi những người trẻ đang lớn lên trong thời đại của sự hài lòng ngay lập tức. Ngay cả những sinh viên ít động lực nhất mà tôi từng làm việc cùng cũng hiểu rằng họ học tập chăm chỉ là vì lợi ích của họ. Nhưng những lợi ích mà học sinh sẽ gặt hái được còn quá xa để có thể giữ cho các em có động lực.

Lý do thứ 3: Học sinh rất muốn cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa, nhưng việc học không giúp họ cảm thấy như vậy.

Cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa là một nhu cầu của bất kỳ ai, không chỉ là ở trẻ em, và với thanh thiếu niên đó còn là nhu cầu luôn thôi thúc họ. Với cha mẹ, chúng ta dễ dàng nhận thấy ý nghĩa của công việc mình làm mỗi giờ, mỗi ngày thậm chí từng phút giây. Đó là công việc của chúng ta giúp ta lo được cho con cái, cho cuộc sống của những người ta yêu thương, cho xã hội, do đó, chúng ta có động lực mạnh mẽ để cố gắng. Trẻ em cũng vậy, chúng muốn có được cảm giác ấy, đáp ứng được nhu cầu chính đáng ấy, con trẻ phải thấy mình đang đóng góp, việc làm của mình đang đóng góp điều gì đó cho cuộc sống.

Nhưng việc học không giúp họ cảm thấy được như vậy.

Thông điệp trực tiếp mà học sinh nhận được ở trường là các em nên học tập chăm chỉ để đạt điểm cao, để có thể kiếm được một công việc tốt, để có thể tận hưởng một cuộc sống thoải mái (điều mà có lẽ các em đang tận hưởng). Thông điệp các em nhận được từ cha mẹ cũng vậy, vì tương lai tốt đẹp của chính các con.

Những thông điệp đó truyền tới con chúng ta mỗi ngày nhưng khi nó qua bộ sử lý là não bộ của trẻ vị thành niên, nó sẽ được hiểu lại là: “mình sẽ không thực sự đóng góp được gì cho đến khi hoàn thành chương trình giáo dục chính quy”

Hơn nữa, trường học có xu hướng nhấn mạnh đến thành tích, cả trong học tập lẫn các hoạt động khác và tập trung vào cá nhân mỗi học sinh. Nhưng điều mà người trẻ khao khát là cảm giác rằng họ đang đóng góp, rằng cuộc sống của họ có ích cho người khác. Con bạn có thể có suy nghĩ: “Nếu mình học chăm chỉ, mình sẽ đạt điểm A. Nếu mình không học chăm chỉ, mình sẽ được điểm D. Dù thế nào đi nữa, A hay D thì cũng chẳng ai bị ảnh hưởng cả, thế giới này vẫn vậy thôi” Tuyên bố này mang nhiều sự thật hơn những gì các bậc cha mẹ và các nhà giáo dục muốn thừa nhận, đó chính là: thực tế là sinh viên muốn tạo ra ảnh hưởng với người khác, bất kể tuổi tác của họ.

Thanh thiếu niên, những người có bộ não tất nhiên là chưa trưởng thành cực kỳ kém trong việc nhận ra những hành vi của mình ảnh hưởng đến người khác như thế nào, Chính vì thế để con chúng ta thấy được nhận ra được rằng chúng đang có đóng góp cho người khác, đó phải là những đóng góp trực quan, dễ nhìn thấy, dễ cảm thấy và ngay bây giờ chứ không phải những đóng góp mơ hồ, tổng quát và xa xăm như việc học tập chăm chỉ có thể mang lại “cuộc sống tốt đẹp hơn” như ta thường khuyên chúng. Vì vậy thật dễ dàng để con bạn tạm gác việc học “vì tương lai tốt đẹp của mình sau này” để tham gia vào cuộc trốn học đi chơi với người bạn đang chán nản của nó vì việc đi chơi này sẽ khiến bạn của nó bớt buồn hơn và vì thế việc này có ý nghĩa hơn. Các cha mẹ và giáo viên có thể không tưởng tượng ra rằng “học vì tương lai tốt đẹp của mình” mà họ thường nói có thể lại là câu nói để công kích, chỉ trích mà các con sử dụng nhằm vào những đứa trẻ chúng không ưa. “Ui trời, quan tâm gì đến thằng ích kỷ đó, nó đang học tập vì tương lai tốt đẹp của nó sau này”

Khi họ không cảm nhận hoặc thấy được trực tiếp đóng góp hay ý nghĩa cuộc đời mình, họ chuyển sang sử dụng mạng xã hội và trò chơi. Thông qua các nền tảng này, họ có thể xây dựng lượng người theo dõi, nhận được “lượt thích”, nhận được sự ngưỡng mộ về ngoại hình và khả năng của mình cũng như “lên cấp” cho nhân vật của mình. Họ có được cảm giác thực sự về tầm quan trọng và thành tựu trong thế giới trực tuyến, điều mà họ có thể không có được trong thế giới thực.

Phương tiện truyền thông xã hội và trò chơi mang tính giải trí nhưng chúng cũng giúp giới trẻ đáp ứng nhu cầu thực sự của họ theo cách ảo. Đây là lý do chính khiến hàng triệu sinh viên trên khắp thế giới nghiện mạng xã hội và trò chơi.

Tóm lại, không có ích gì khi bảo con bạn học tập chăm chỉ vì lợi ích của chúng. Điều này là do việc học tập không mang lại cho họ ý thức về tầm quan trọng mà họ vô cùng mong muốn và cần thiết.

Lời kết.

Học tập, tìm hiểu và khám phá tri thức mới là nhu cầu tự nhiên của con người, tự nhiên như thở vậy. Chúng ta đã từng học tập một cách tự nhiên với niềm yêu thích, say mê, háo hức khám phá ngay từ lúc mới chào đời cho đến những năm tháng tuổi thơ, nhưng niềm say mê đó dần bị vùi lấp, thui chột bởi những khuôn mẫu, ép buộc, giám sát, kiểm tra, đe dọa, thao túng và thúc đẩy quá mức. Việc cha mẹ, giáo viên dùng các phương pháp thúc đẩy quá mức hoặc không đúng cách có thể làm mất động lực học tập của trẻ em và thanh thiếu niên. Để tạo động lực cho họ, cần thiết phải hiểu rõ từng đứa trẻ, hiểu điều gì họ khát khao, cái gì tạo cho họ sự hứng khởi học tập, loại bỏ sự ép buộc, loại bỏ trừng phạt và phần thưởng, giảm thiểu những sợ hãi trong việc học cũng như bớt cằn nhằn, bớt giảng giải những điều xa vời và vô tác dụng như những lời được đề cập trong bài viết này. Dẫu biết là khó, nhưng để có được một cá nhân say mê học tập bởi được thúc đẩy bởi động lực từ bên trong, bởi niềm vui từ chính việc học, bởi cảm nhận được sự đóng góp có giá trị trong việc học của mình thì những khó khăn đó là điều xứng đáng để chúng ta, những người làm cha mẹ nỗ lực để vượt qua

Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, hãy chia sẻ với bạn bè.


Comments