Học cách học và dạy con cách học- sự tham gia đáng giá nhất của cha mẹ vào việc học của con

bố đang dạy con học

 1. Chúng ta dành quá nhiều nguồn lực cho việc học của con cái

Không có gì để băn khoăn khi nói “Việt nam là một dân tộc hiếu học”.  Điều đó là sự thật.  Chúng ta, những bậc làm cha mẹ cảm nhận rõ nhất điều đó, thậm chí nó đã được chứng minh bằng những nghiên cứu xã hội học uy tín. Chúng ta đang chi tiêu nhiều nhất cho giáo dục. Điều đó không có nghĩa là số tiền tuyệt đối (con số cụ thể là bao nhiêu tỷ đô) chúng ta bỏ ra cho giáo dục so với các nước khác (vì chúng ta nghèo) mà là chúng ta đã bỏ ra bao nhiêu tiền cho giáo dục trong tổng số tiền mà chúng ta đã chi tiêu cho mọi hoạt đọng sống của mình. Một nghiên cứu uy tín đã đưa ra con số gây choáng: Chúng ta, gia đình chúng ta đã bỏ ra từ túi của mình từ 30-43% tổng chi tiêu của chúng ta cho giáo dục và các thứ liên quan đến giáo dục. Nó có nghĩa là cứ 100 nghìn đồng chúng ta tiêu cho mọi hoạt động sống từ thuốc men khi ốm, cái ăn, mặc hằng ngày đến tiền cắt tóc….thì có đến 30-43 nghìn đồng chi cho giáo dục, mà chủ yếu là cho việc học của con cái chúng ta. Nó quả là một con số khổng lồ, không thể tin được khi ta đặt bên cạnh các nước có thành tựu giáo dục vĩ đại như Israel (4%-5%), Pháp (6%-7%)…

Đó chỉ là tiền, nó chưa phải là tất cả những gì mà chúng ta bỏ ra cho giáo dục con cái. Hãy nhìn lại để thấy rõ tâm huyết của chúng ta: chúng ta bỏ ra bao nhiêu giờ/ngày cho việc trợ giúp, phục vụ việc học của con, có bao nhiêu ông bố, bà mẹ, ông/bà tạm nghỉ/hoãn làm tạm thời hoặc nghỉ làm vĩnh viễn để tập trung vào việc học của con…

Nhưng chúng ta thu nhận được gì?? Có chăng chỉ là những điểm số, những giấy khen… mà ai cũng biết là nó không đáng tin cậy.

2. Chúng ta đang làm gì với số tiền khổng lồ và nỗ lực tối đa của mình.

Tôi có thời gian quan sát thực tế khá kỹ về điều này. Hầu hết những ông bố, bà mẹ coi việc học của con là điều quan trọng nhất, không tiếc tiền bạc, tâm huyết và công sức để dành cho việc đó. Nhưng có vẻ như họ bối rối, băn khoăn và đôi lúc gần như lạc lối khi xác định: Tham gia như thế nào vào việc học của con? Tất nhiên việc chi tiền là điều đầu tiên chúng ta nghĩ tới. Chúng ta không tiếc tiền cho trẻ đi học thêm, ở trường, ở nhà thầy cô giáo, ở trung tâm đào tạo hoặc ở các cơ sở luyện thi. Chúng ta không tiếc công để chờ trực đưa, chờ, đón con từ sáng đến đêm. Và cái chúng ta nhận được là sự căng thẳng về tài chính, sự mệt mỏi về thể chất của bản thân và những đứa trẻ nhỏ không có cơ hội để cảm nhận tuổi thơ, những cô cậu thiếu niên không có thời gian để tự hiểu chính mình. Chúng ta đã đưa mình và con lên chuyến tầu ma ám lúc nào không biết.

Nhiều ông bố bà mẹ chọn cách trực tiếp dạy học cho con ở nhà sau mỗi ngày lên lớp. Họ đã biến ngôi nhà, nơi bình yên nhất mà đứa trẻ được phép giải tỏa những áp lực học hành, thành nơi tra tấn thần kinh khủng khiếp hơn cả lớp. Mỗi buổi tối là một cuộc chiến mới về bài tập về nhà, những cuộc chiến tàn phá động lực, tinh thần cũng như tình cảm, mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái. Cha mẹ say sưa mà không nhận ra rằng, chúng ta đang thực hiện sai vai trò của cha mẹ đồng thời dẫm chân và làm giảm vai trò của giáo viên cũng như làm mất vai đi khả năng tự định hướng học tập, điều tối quan trọng của học tập trong xã hội hiện nay.

Khi con cái lên những bậc học cao hơn, cấp 2 đặc biêt là cấp 3, những ông bố bà mẹ biết rằng mình không đủ kiến thức để dạy trực tiếp hay tham gia trực tiếp vào việc học của con nữa, đó cũng, là lúc sự kiểm soát gắt gao nhất, sự thúc đẩy mạnh mẽ nhất và những hành động quyết liệt nhất dồn vào con xuất phát từ nỗi sợ trong mỗi người làm cha mẹ. Áp lực thành tích, lo lắng về tương lai của việc học, sự mơ hồ về khả năng dự đoán ngày mai khiên cho nỗi sợ ngày một lớn. Khi đứa trẻ không có thành tích tốt hoặc gặp khó khăn trong học tập, nó như một chiếc xe bị sa lầy, bị chặn bởi những khối đá khổng lồ trước mũi. Và cha mẹ đừng sau vẫn vậy, nỗ lực hết mức có thể để thúc đẩy. Kết quả là- rất nhiều chiếc xe đã vỡ vụn từ đầu và mãi mãi không thể vượt lên được nữa

3. Chúng ta đã bỏ quên điều quan trọng nhất trong việc tham gia vào học tập của con.

Hầu hết trong suy nghĩ của chúng ta, đứa trẻ có thể thành công trong việc học phụ thuộc vào 2 yếu tố quan trọng nhất đó là ‘TRÍ THÔNG MINH”“ĐỘNG LỰC HỌC TẬP”. Điều này rõ ràng là không sai, nhưng chưa đủ và thường được hiểu và áp dụng một cách méo mó.

Mặc dù sự thật là những người có trí thông minh cao thường dễ dàng đạt điểm cao hơn, nhưng có bằng chứng chắc chắn rằng trí thông minh không quan trọng như bạn nghĩ. Ví dụ, nhà tâm lý học Sandra Scarr kết luận rằng 75% việc học được thúc đẩy bởi các yếu tố khác ngoài trí thông minh, bao gồm động lực, kiến thức sẵn có và chiến lược học tập. Các nghiên cứu khác cho thấy điểm kiểm tra trí thông minh giải thích ít hơn 20% sự khác biệt giữa mọi người khi nói đến thành công trong học tập. Rất nhiều nhà nghiên cứu giáo dục khác cũng đưa ra kết luận tương tự: Không phải bạn thông minh đến đâu mới quyết định bạn có thành công trong học tập hay không. Warren Buffett, nhà đầu tư, người giàu thứ ba thế giới đã từng nói: Nếu bạn có IQ 150 thì tốt cho bạn. Nhưng tôi khuyên bạn nên bán 30 cái. Bạn không cần phải quá thông minh.

Động lực là điều quan trọng để làm bất kỳ một việc gì chứ không chỉ là học tập. Tinh thần và niềm tin vào khả năng của bản thân cũng góp phần giúp bạn đạt điểm cao hơn và hiệu quả mang lại khá lớn. Nhưng động lực chỉ bền vững khi nó là động lực từ bên trong mỗi con người. Những cách thúc đẩy, những áp lực được tạo ra từ bên ngoài không phải cái nào cũng tốt, không phải lúc nào cũng tốt. Những cách tạo áp lực sai cách có thể khiến động lực nội tại bị triệt tiêu hoặc tệ hơn gây ra những tổn thương không thể chữa lành. (xem bài những cách triệt tiêu động lực)

Có một thành phần vô cùng quan trọng để có thể học tập hiệu quả, đạt thành tích cao mà chúng ta thường không để ý đến, không được nhắc đến, không được học một cách đủ tử tế: Đó là KỸ THUẬT HỌC TẬP hay nó cách khác là CÁCH ĐỂ HỌC. Nhà nghiên cứu giáo dục nổi tiếng John Hattie đã tiến hành nghiên cứu cho thấy các kỹ thuật học tập tốt là yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công trong giáo dục. Nếu những học sinh có mức độ thông minh trung bình đã học các kỹ thuật ghi nhớ, họ sẽ ghi nhớ nhiều hơn và đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra so với những học sinh thông minh hơn nhưng không biết và sử dụng các kỹ thuật tương tự. Nếu những học sinh thông minh hơn cũng học được các kỹ thuật này thì cả hai nhóm học sinh đều đạt điểm cao như nhau.

Điều trớ trêu là CÁCH ĐỂ HỌC lại không phải là nội dung mà giáo viên được dạy để họ dạy lại cho học sinh, không là nội dung mà học sinh được học và cha mẹ lại càng không. Học sinh mỗi ngày đến trường, đến trong tâm, đến lớp học thêm để học kiến thức mới, nhai lại một cách thụ động kiến thức cũ, những mẫu bài tập, những bài văn được thiết kễ sẵn và luôn được nhắc nhở thậm chí đe dọa để “Học nhiều hơn, chăm chỉ hơn, cố gắng hơn..” mà không được dạy học thế nào cho hiệu quả, cho phù hợp với mình. Giáo viên lên lớp để cày cho đủ số tiết quy định của môn mình dạy, vùi đầu vào những báo cáo, sổ sách, giấy tờ để thanh tra, kiểm tra rồi tối lại tranh thủ cày tiếp ở các lò luyện. Không thể trách học sao không dạy con tôi cách học một cách có hệ thống: Họ không có kiến thức đó, không có thời gian cho việc đó, không có trách nhiệm chính thức về việc đó và không có động lực về việc đó.

Đó là sự thực: chúng ta đã bỏ quên điều quan trọng nhất mà có thể dành cho con cái mình để chún có thể học tốt hơn đó là ‘HỌC CÁCH HỌC”

4. Chủ đề ‘DẠY CON CÁCH HỌC” trên bametinhthuc có những gì

Từ những công trình nghiên cứu về “tư duy phát triển” có thể kết luận rằng điều quyết định liệu bạn có thành công trong việc học tập hay không có thể được chia thành ba lĩnh vực: Kỹ thuật học tập: bạn học như thế nào. Kỹ thuật thực hiện : cách bạn giải quyết các bài kiểm tra và thi cử; Tâm lý;  kỷ luật tự giác và cách bạn thúc đẩy bản thân

Với mong muốn góp phần cải thiện thành tích học tập, giảm gánh nặng cho học sinh, phụ huynh và giáo viên trong việc học, tôi muốn cung cấp một chương trình nhằm bù đắp điều quan trọng mà các em không dược cung cấp để đạt được thành tích tốt hơn trong học tập. Từ ba điều quyết định đó, chủ đề “DẠY CON CÁCH HỌC” này tôi sẽ đề cập chi tiết đến 3 lĩnh vực cụ thể như sau:

Lĩnh vực 1 —Học hiệu quả

Thảo luận về các kỹ thuật bạn có thể sử dụng để học thông minh hơn. Phần này bao gồm các chủ đề bao gồm quản lý thời gian, kỹ thuật đọc, kỹ thuật ghi chú và kỹ thuật ghi nhớ. Ngoài ra sẽ còn chỉ ra những quan điểm sai lầm, thực hành sai lầm và niềm tin sai lầm mà chúng ta thường mắc phải về việc học.

Lĩnh vực 2—Thực hiện một cách tối ưu

Thảo luận về cách bạn có thể thực hiện tối ưu trong các bài kiểm tra và bài thi. Phần này bao gồm các chủ đề bao gồm luyện thi, bài tập, bài kiểm tra viết và vấn đáp. Ngoài ra sẽ còn chỉ ra những quan điểm sai lầm, thực hành sai lầm và niềm tin sai lầm mà chúng ta thường mắc phải về chuẩn bị thi, kiểm tra hay thi và kiểm tra.

Phần 3—Hãy Nghĩ Đúng

Thảo luận về động lực, kỷ luật tự giác và cách bạn thúc đẩy bản thân cũng như cách thiết lập mục tiêu, cách chúng ta suy nghĩ và cách chúng ta có thể sử dụng những điều này để học hỏi và thực hiện tốt hơn.

5. Cha mẹ có thể “DẠY CON CÁCH HỌC” như thế nào

Nội dung này tôi viết dành cho các bậc cha mẹ (tất nhiên vì trang web của tôi dành cho cha mẹ), các giáo viên, các em học sinh từ cấp 2 trở lên, các sinh viên đại học, cao đẳng, tất cả đều có thể phù hợp với nó và dễ dàng tiếp thu nó. Cha mẹ có thể học cách học theo chủ đề này, qua đó hướng dẫn lại con những điều mấu chốt, theo dõi, giám sát, hỗ trự con trong quá trình thực hành những kỹ thuật và đánh giá sự tiến bộ của con trong ngắn hạn và lâu dài. Giáo viên có thể đọc nó để hướng dẫn cho học sinh của mình (nếu có thể) hoặc ít nhất cũng tạo điều kiện thuận lợi cho những kỹ thuật đó diễn ra ở lớp. Khi học sinh có cách học hiệu quả, gánh nặng trên vai sẽ giáo viên sẽ giảm đi rất nhiều. Nhưng trên hết, những nội dung này nên được học sinh, sinh viên tiếp cận. Từ việc tiếp thu nó và thực hành nó, việc học sẽ trở nên hiệu quả hơn, thú vị hơn, đỡ vất vả hơn và thành tích được nâng cao hơn. Khi có những thành quả đó, động lực, sự tự tin của các em sẽ được cải thiện rất nhiều. Đó ẽ là những yếu tố quan trọng để các em có thể bước những bước đi xa hơn, dài rộng hơn. Học cách học, biết cách học cũng là điều quan trọng nhất để “học tập suốt đời”

Nội dung này cũng được chuẩn bị thành những bài giảng cực kỳ chi tiết, thiết kế thành một chương trình học cụ thể bằng hình thức học trực tuyến. Nó sẽ được thực hiện khi nhận đủ các yêu cầu từ quý vị. Hãy liên hệ với tôi nếu quý vị thực sự có nhu cầu.

Vì thế cha mẹ hãy đọc nó, và chỉ cho con mình đọc nó. Giáo viên hãy đọc nó và chỉ cho học sinh của mình đọc nó. Học sinh, sinh viên đọc nó và chỉ cho bạn bè của mình đọc nó. Cùng nhau- chúng ta sẽ trở nên tốt hơn mỗi ngày.

Comments