Cách để ghi chép hiệu quả trên lớp học- 4 nguyên tắc quan trọng nhất

cậu bé đang ghi chép

 

Ghi chép là một phần quan trọng của việc học trên lớp, nó không chỉ giúp chúng ta lưu lại những điều quan trọng của buổi giảng, cái có thể không có trong sách giáo khoa hay tài liệu phát tay của giáo viên, cái có thể bị quên vĩnh viễn chỉ vài tiếng đồng hồ sau bài giảng, mà ghi chép còn giúp chúng ta tập trung hơn vào bài giảng, kéo tâm trí của chúng ta đang phiêu du cùng các điều hấp dẫn bên ngoài trở lại với việc học đầy vất vả. Và vì thế, dù đã có rất nhiều công cụ hiện đại hỗ trợ, việc ghi chép và có kỹ năng ghi chép tốt luôn là một yếu tố quan trọng để việc học trở nên hiệu quả.

Tại sao ghi chép lại quan trọng cho việc học

Khi còn là một sinh viên, tôi nhớ 1 giáo sư của tôi với câu nói cửa miệng khi lên lớp cho đám sinh viên y khoa luôn trong trạng thái mệt mỏi là “Hãy luôn ghi chép”, mệt à, buồn ngủ à? Đêm qua trực à? Tốt thôi. “hãy luôn ghi chép” và mọi việc sẽ ổn. Thầy không quan tâm đến những gì chúng tôi viết ra hoặc cách chúng tôi viết ra, miễn là chúng tôi viết ra điều gì đó.

Đến khi trở thành giảng viên đại học, tôi có thói quen là mỗi khi cho sinh viên thảo luận hoặc làm bài tập nhỏ tôi thường tận dụng thời gian để xem sinh viên của tôi ghi chép như thế nào trong buổi giảng của mình. Tất nhiên là có rất nhiều phong cách khác nhau từ không ghi gì cho đến ghi chép dài hơn cả bài giảng mà tôi chuẩn bị. Tôi sẽ nói với các bạn tôi đánh giá cách ghi chép nào cao hơn ở phần sau bài viết, nhưng tôi muốn nói ngay rằng, ghi chép, bất chấp những thay đổi về công nghệ học tập, vẫn luôn là quan trọng cho việc học bởi ít nhất là hai lý do cốt lõi sau

- 1. Ghi chép giúp thúc đẩy việc học tập

Việc ghi chú thường đòi hỏi bạn phải tập trung, nghe hoặc đọc cẩn thận và suy nghĩ xem nên viết gì và viết như thế nào. Như vậy, bản thân việc ghi chép đã là một hoạt động thúc đẩy việc học tập.

- 2. Ghi chép giúp tiết kiệm thời gian

Những ghi chú tốt sẽ cung cấp cho bạn một bản tóm tắt phù hợp mà bạn có thể sử dụng để sửa đổi. Điều này có thể giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian.

Nhưng để đạt được cả hai lợi ích trên thì phải chuyển từ ‘ghi chép” thành “ghi chú”. Và ở phần tiếp theo tôi sẽ đề cập đến làm sao để việc ghi chú của bạn hiệu quả nhất cho việc học

Nguyên tắc 1. Ghi chú từ buổi giảng chứ không phải ghi chép lại slide bài giảng, tài liệu hay giáo trình.

Bạn biết đấy, học tập ngày nay luôn có giáo trình (SGK với học sinh phổ thông), tài liệu phát tay và bài giảng có thể được thiết kế bằng các slide trình chiếu. Nhưng thông thường thì giáo trình quá rộng, có quá nhiều chi tiết “cần biết” nhưng không thực sự liên quan đến kỳ thi, tài liệu phát tay có thể quá lan man và thường được biên tập cẩu thả, không liền mach và slide thì thường quá cô đọng. Và sự thật là không phải giáo viên nào cũng có thể làm ra những slide một cách dễ theo dõi, những tài liệu dễ đọc. Nhưng có thể nói chúng ta có thể có được những điều chúng ta cần nếu chúng ta biết cách ghi chú, ghi chép theo những gì họ đang giảng một cách thông minh.

Đừng mất công ghi chép lại những gì mà bạn đã có trong 1 trong 3 công cụ đã nói ở trên, bạn chỉ ghi lại những gì chúng thiếu. Nếu giảng viên của bạn có xu hướng lan man, slide của họ trong tay bạn sẽ là công cụ để bạn theo được luồng của họ. Hãy ghi chú đè lên slide được in và phát tay đó. Nếu giảng viên chỉ nhấn mạnh hoặc khu trú về những điều không thấy trong sách hoặc slide (thường là vậy) thì bạn có thể nhét những ghi chú đó vào trương mục phù hợp trong sách và slide mà bạn có. Thậm chí có những bài giảng hoàn toàn không nằm trong phần nào của nội dung sách vở cả. Hãy ghi nó vào mục riêng những gì bạn thấy quan trọng, thậm chí đó là 1 đường link trên internet mà giáo viên chia sẻ,rất có thể nội dụng cập nhật đó lại là cái quan trọng để thi

Đừng coi sách giáo khoa, slide bài giảng hoặc bài viết là những thực thể riêng biệt mà mỗi thực thể cần một bộ ghi chú. Hãy coi đây là những nguồn khác nhau bao gồm các phần khác nhau của chương trình giảng dạy. Mục tiêu của bạn là ghi chép tốt từ chính khóa học chứ không phải từ một nguồn cụ thể như các slide bài giảng. Hãy tự hỏi bản thân những gì bạn phải biết để làm tốt khóa học, sau đó sử dụng các nguồn có thể giúp bạn tạo ra những ghi chú hay nhất có thể.

 Nguyên tắc 2. Ghi chép tay, dùng máy tính, ipad… không phải là vấn đề.

Một câu hỏi tôi luôn nhận được khi tổ chức các buổi hội thảo về kỹ năng học tập là liệu nên ghi chép trên máy tính hay trên giấy. Việc sử dụng máy tính có rất nhiều lợi ích: bạn có thể viết nhanh hơn, chỉnh sửa ghi chú của mình bao nhiêu tùy thích, lưu trữ chúng dưới dạng điện tử và loại bỏ vấn đề cố gắng diễn giải chữ viết xấu (nếu đó là vấn đề đối với bạn). Đồng thời, một số việc có thể thực hiện trên giấy dễ dàng và nhanh chóng hơn, chẳng hạn như vẽ hoặc viết công thức, trừ khi bạn có màn hình cảm ứng rất tốt. Trong khi đó ghi chep bằng tay có thể chậm hơn, khó đọc hơn nhưng điều đó lại khiến cho chúng ta cần trọn lọc thông tin hơn và cần nhiều nỗ lực truy hồi hơn khi đọc lại, điều này tốt cho ghi nhớ. Vì lẽ đó, ghi bằng gì không quan trọng, quan trọng là bạn biết lựa trọn thông tin để ghi, tránh ghi quá nhiều đến mức ban còn ngại đọc lại nó hơn là đọc giáo trình.

Ngoài ra lưu ý rằng bản chất chữ trên giấy và chữ trên máy tính là khác nhau. Chữ trên máy tính là hình ảnh thích hợp người học trưc giác, trong khi đó chữ trên giấy là chữ đơn thuần, nó thích hợp với người học thính giác (có vẻ kì cục nhưng khoa học đã chứng minh).

Thế còn việc ghi âm, quay video thì sao? Tẫt nhiên nó không phải là ghi chú. Việc ghi âm có thể tốt cho người học thính giác khi nghe lại nó, video thì rất ít khi bạn xem lại (đó là sự thật). Nhưng vì ghi chú còn khiến chúng ta tập trung vào bài giảng, trong khi nếu ỷ vào vì có ghi âm hay quay video mà bạn không chú tâm vào bài giảng thì coi như bạn đã mất một bài giảng rồi.

Nguyên tắc 3. Đừng chỉ đọc ghi chú, hãy làm việc với nó!

Khi bạn đã hoàn thành các ghi chú của mình và đang sử dụng chúng để ôn thi, đừng đọc chúng một cách thụ động. gay cả việc bạn thuộc lòng ghi chú của bạn, điều đó dường như chẳng có ích gì cho kỳ thi.

Hãy thực hành truy hồi (nhớ lại và nhớ lại và liên kết thông tin cũ-mới), đó là cách hiệu quả để bạn sử dụng những ghi chú của mình. Nhìn vào các tiêu đề và từ khóa và cố gắng nhớ lại nội dung của chúng, hình dung lại, tưởng tượng lại buổi giảng để nhớ giảng viên muốn gửi gắm thông điệp gì trong đó. Liên kết nó và đặt nó trong tổng thể nội dung của sách giáo khoa, hay bài phát tay của giảng viên để có một bức tranh đầy đủ. Đọc sâu hoặc thực hành truy hồi sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc chỉ đọc một cách thụ động.

Nguyên tắc 4. Sử dụng phù hợp các cách ghi chú khác nhau

Chúng ta có nhiều cách để ghi chú. Đó có thể là ghi chép vào sổ giấy cổ điển, có thể dùng phương pháp đánh dấu nhấn mạnh trên văn bản, và có thể sử dụng phương pháp vẽ sơ đồ tư duy thủ công hoặc dùng các công cụ hiện đại để vẽ sơ đồ tư duy trên máy tính... Mỗi phương pháp có ưu điểm, nhược điểm và cách ứng dụng khác nhau. Bạn cần sử dụng chúng linh hoạt, phù hợp và thông minh để đạt được hiệu quả. Để biết thêm về các phương pháp ghi chép và ứng dụng nó xin đọc bài "hướng dẫn các cách ghi chú hiệu quả" trên chính trang này của tôi. 

Ghi chép hiệu quả—tóm tắt ngắn gọn

Những gì bạn cần biết:

Ghi chép quan trọng bởi

1. Bản thân nó là một hoạt động học tập.

2. Cung cấp cho bạn bản tóm tắt nội dung phù hợp.

3. Giúp bạn tiết kiệm thời gian khi bạn cần xem lại tài liệu khóa học hoặc luyện tập cho kỳ thi.

Bạn cần gì để ghi chú tốt

Ghi chép từ buổi học, buổi giảng, khóa học, không phải từ sách giáo khoa, slide hay tài liệu phát tay. Sử dụng sách giáo khoa như một trong nhiều nguồn để bạn ghi chú.


Comments