Mở khóa động lực học tập- can thiệp trên cơ sở khoa học bộ não

 

Mở khóa động lực học tập bằng khoa học não bộ

Mở khóa động lực học tập- can thiệp trên cơ sở khoa học bộ não

Một lo lắng thường trực, một nỗi muộn phiền kinh niên: Con tôi lười học, không quyết tâm, thiếu cố gắng, không lo lắng gì về tương lai trong khi xã hội ngày càng cạnh tranh quyết liệt. Và từ đó một câu hỏi muôn thuở: Làm thế nào để thúc đẩy thanh thiếu niên học tập theo cách không gây phản tác dụng?

Một niềm tin hoang đường bám rễ vào sau trong tiềm thức, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác là niềm tin vào bộ công cụ huyền thoại để đứa trẻ học tập tốt hơn đó là: Khen ngợi; Phần thưởng; Trừng phạt. Bộ công cụ này được sử dụng ngày càng ở mức cực đoan ngay cả khi nó đã được chứng minh là ít tác dụng và gây ra nhiều hậu quả (xem bài liên quan). Chúng ta áp dụng nó với con đơn gỉan bởi chúng ta được bố mẹ ta áp dụng với mình. Nói một cách đơn giản, ta là nô lệ cho ký ức của mình. Từ đó tạo ra một vòng luẩn quẩn không lối thoát.

Trong khi cố gắng tạo động lực cho con chúng ta đã vô tình gây ra rất nhiều các yếu tố triệt tiêu động lực (xem bài: con mất động lực học tập do 13 sai lầm của cha mẹ). Trong khi cha mẹ và giáo viên cố tình “cưỡng bức học tập”, chúng ta có thể nhìn thấy một vài thành tích bề nổi nhưng để lại quá nhiều những hậu quả lâu dài thậm chí không thể phục hồi cho thế hệ tương lai (xem bài: ép con học và 24 hậu quảlâu dài). Những nỗ lực không biết mệt mỏi với niềm tin hoang đường về thành công đã tạo nên một thế hệ mà tuổi thơ chỉ có thể mô tả bằng “Kiểm soát đến nghẹt thở và căng thẳng đến tột cùng” (xem bài: Con cái chúng ta đang sống như thếnào)

Học tập hiệu quả nhất khi con thích học, tìm thấy niềm vui ngay trong chính việc học, đó là điều tuyệt vời nhất. Nhưng thực tế không phải đứa trẻ nào cũng thích học, thậm chí đó là những đứa trẻ cực hiếm hoi. Chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào sự thật là “chúng ta không thế bắt ai đó thích một cái gì đó”. Hãy nhìn vào tự bản thân mình và từ bỏ ngay ý định rằng chúng ta có thể khiến con “thích học”. Nhưng chúng ta có thể khơi gợi dậy, mở khóa cho niềm yêu tích học tập, cái đang ngủ, đang bị vùi lấp hoặc đang bị “đánh thuốc mê” và nằm yên trong não của đứa trẻ. Đó là cách mà chúng ta cần tiếp cận, tiếp cận tạo động lực. Thậm chí nếu tạo được động lực, đứa trẻ sẽ làm việc ngay cả khi chúng không thực sự thích công việc ở thời điểm đó.

Động lực và mối liên quan với não bộ

Động lực là một vấn đề khoa học, liên quan đến một hệ thống phức tạp trong não cái không thể trình bày trong một bài viết ngắn, nhưng nó sẽ là một chủ đề được đề cập xuyên suốt trong blog này. Trong khuôn khổ bài viết này, xin đề cập đến cách tạo động lực học tập dựa trên cơ sở mối liên quan giữa động lực và não bộ cụ thể là chất dẫn truyền thần kinh dopamine

Dopamine là một Hormon, thường được gọi là “Hormon hạnh phúc”. Nó thực chất là một chất dẫn truyền thần kinh được tạo ra từ tyrosin, nó đóng vai trò quan trọng với não và cơ thể. Khi hormone “hạnh phúc” này tăng lên trong cơ thể nó sẽ giúp bạn cảm thấy vui vẻ hơn, có thêm động lực thúc đẩy việc thực hiện các kế hoạch đã đặt ra trong cuộc sống. Khi không đủ của chất dẫn truyền thần kinh dopamine, con người rơi vào trạng thái mệt mỏi, buồn chán, thiếu động lực, không muốn làm bất kỳ việc gì.

Mức độ dopamine được tăng lên khi chúng ta gặp phải những trải nghiệm bổ ích, chẳng hạn như chiến thắng một trò chơi điện tử hoặc được khen ngợi. Ngược lại, có nhiều thứ có thể làm giảm hiệu quả của hệ thống dopamine bao gồm:

- Căng thẳng

- Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

- Những chấn thương như lạm dụng, thiên tai, bạo lực và cái chết của người thân

- Rối loạn tâm thần như trầm cảm

- Chứng nghiện (nghiện chất, nghiện game..)

Trong những năm thiếu niên, mức độ dopamin rất dễ giảm. Vì vậy, trước khi tìm cách làm tăng chúng, chúng ta cần ngăn chặn chúng giảm sút hoặc mất đi.

Căng thẳng và bộ não trẻ vị thành niên

Trong những nguyên nhân làm sụt giảm Dopamine, căng thẳng là kẻ thù hàng đầu, và cũng là nguyên nhân mà cha mẹ có thể can thiệp trực tiếp để giải quyết nó. Các lý do còn lại, chúng ta cần tìm các chuyên gia y tế hoặc tâm lý chuyên nghiệp để giúp đỡ.

Căng thẳng là kẻ thù số 1 của dopamine và vì thế căng thẳng quá mức là kẻ tù của động lực. Thật không may, chưa bao giờ trẻ em lại sống trong một bầu không khí căng thẳng như vậy, áp lực đến từ tứ phía chủ yếu do cạnh tranh và kiểm soát.

Hội đồng khoa học quốc gia về trẻ em đang phát triển đã xác định ba loại căng thẳng:

1. Căng thẳng tích cực thúc đẩy trẻ em (và người lớn) phát triển, chấp nhận rủi ro và đạt thành tích cao. Đó là những căng thẳng mà chúng ta có thể gọi đây là sự bồn chồn, phấn khích hoặc sự mong mỏi, hồi hộp. Trừ khi sự bồn chồn, hồi hộp quá mức, nếu không chúng sẽ khiến trẻ có nhiều khả năng sẽ thể hiện tốt hơn. Những đứa trẻ trải qua căng thẳng tích cực biết rằng cuối cùng chúng có quyền kiểm soát việc chúng có thực hiện hay không.

2. Căng thẳng có thể chịu đựng được, xảy ra trong thời gian tương đối ngắn, Có thể xây dựng khả năng phục hồi. Điều quan trọng là phải có sự hiện diện của người lớn hỗ trợ và trẻ em phải có thời gian để đối phó và hồi phục.

3. Căng thẳng độc hại được định nghĩa là sự kích hoạt thường xuyên hoặc kéo dài của hệ thống căng thẳng khi không có sự hỗ trợ. Đó là khi đứa trẻ nhận thức rằng mình có ít khả năng kiểm soát những gì xảy ra. Chúng cam thấy dường như không có tha thứ, không có giải cứu, không có dấu hiệu của sự kết thúc. Đây là không gian mà nhiều trẻ em sống ngày nay.

Ngay cả tình trạng căng thẳng mãn tính ở mức độ nhẹ cũng có thể khiến mức độ dopamine của con bạn giảm mạnh khiến chúng không muốn làm bất cứ điều gì. Trong khi bộ não của trẻ em phát triển nhanh chóng trong giai đoạn dậy thì và thanh thiếu niên, thì tính linh hoạt tăng lên cũng khiến chúng dễ bị tổn thương. Bộ não của một thiếu niên nhạy cảm hơn với căng thẳng.

Căn thẳng độc hại, không tốt cho bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi, nhưng nó đặc biệt có hại cho não bộ của thanh thiếu niên vì nó có thể dẫn đến những thay đổi vĩnh viễn trong quá trình phát triển não bộ. Trong những trường hợp cực đoan, căng thẳng độc hại có thể dẫn đến não nhỏ hơn và tổn thương ở trung tâm học tập, trí nhớ và tập trung của não.

Căng thẳng độc hại trong giai đoạn này cũng góp phần gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như lo lắng, trầm cảm, tâm thần phân liệt và lạm dụng ma túy, thường được quan sát thấy ở tuổi vị thành niên.

Thanh thiếu niên không chỉ dễ bị căng thẳng hơn mà còn dễ phản ứng và dễ xúc động hơn. Do đó, thanh thiếu niên có thể dễ dàng mất động lực học tập và hành động theo cảm tính trước những yêu cầu ôn hòa để làm bài tập ở trường.

Làm thế nào để tạo động lực cho trẻ em, vị thành niên học tập?

Tất nhiên bài viết này không đề cập đến hết các chiến lược để thúc đẩy thanh thiếu niên học tập. Đó là câu chuyện dài và cần những nỗ lực không biết mệt mỏi của cha mẹ. Nhưng trước khi thực hiện một cách đồng bộ và khoa học, việc đầu tiên là hãy loại bỏ những kẻ thù của dopamine, đó là cách thuyết phục trẻ em, thanh thiếu niên học tập và giúp họ tăng động lực học tập.

1. Ngừng thúc đẩy để giảm bớt căng thẳng

Căng thẳng không những không thể tạo động lực mà còn có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển trí não của trẻ. Điều tốt nhất cha mẹ có thể làm để thúc đẩy thanh thiếu niên học tập là loại bỏ căng thẳng khỏi cuộc sống của chúng.

Đáng buồn thay, cha mẹ là một trong những nguồn gây căng thẳng kinh niên phổ biến nhất cho thanh thiếu niên. Bạn đã nhắc nhở con bạn về những gì chúng nên làm hàng triệu lần. Bạn đe dọa trẻ bởi những viễn cảnh tăm tối của tương lai nếu không học tập, bạn nhắc nhở về sự khó khăn như thế nào để có thể vào được lớp 10 và nỗi nhục nhã thế nào nếu không vào được trường đại học. Nhiều lời nhắc nhở tạo ra căng thẳng không cần thiết cho con bạn.

Dưới đây là những tác nhân gây căng thẳng mãn tính, và chúng ta cần loại bỏ hoặc chí ít là hạn chế chúng ở mức tối đa để giảm bớt căng thẳng cho con

  • Ngừng cằn nhằn liên tục về những việc ở trường như bài tập, quan hệ bạn bè, cách ăn mặc…
  • Đừng nhắc nhở liên tục về các kỳ thi, nguy cơ trượt, hay viễn cảnh về trượt thi vào lớp 10 hay sự khó khăn khi thi đại học.
  • Đừng trừng phạt chúng vì điểm kém hoặc không hoàn thành các bài tập về nhà.
  • Đừng nhắc đi nhắc lại về những lỗi lầm của họ về học tập. Hãy tha thứ, đừng để những lỗ lầm đó như bản án treo để mỗ khi có vấn đề gì lại được mang ra để trì chiết

2. Cải thiện mối quan hệ cha mẹ-con cái để giảm căng thẳng

Mói quan hệ cha mẹ con cái không tốt như xung đột thường xuyên, giám sát quá mức hay quá xa cách hoặc bỏ bê là nguồn căng thẳng rất lớn đối với trẻ em, thanh thiếu niên. Cảm giác được yêu thương, được quan tâm, được đồng cảm, được hiểu, được chấp nhận là những nguồn động lực mạnh mẽ nhất. Trẻ em, thanh thiếu niên luôn muốn làm hài lòng người mình thương yêu, và khi được thương yêu và họ thường lấy học tập ra để minh chứng cho tình yêu ấy.

Một sự thật là mối quan hệ cha mẹ con cái thường bị đe dọa nhất vào giai đoạn trẻ vị thành niên. Mối quan hệ bị sứt mẻ liên quan nhiều đến học tập và mối quan hệ sứt mẻ lại là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến học tập kém. Đó chính xác là vòng xoắn bệnh lý rất khó để gỡ ra.

Thanh thiếu niên không có động lực thường có mối quan hệ căng thẳng với cha mẹ. Động viên họ bằng cách hàn gắn mối quan hệ và trở thành nguồn sức mạnh trong cuộc sống của con bạn thay vì gây căng thẳng.

Xây dựng mối quan hệ cha mẹ và con cái bền chặt không khác nhiều so với việc xây dựng bất kỳ mối quan hệ nào. Nếu bạn luôn bị ra lệnh và không được tôn trọng, luôn đứng về phía người sai trong khi người khác luôn đúng, bạn có muốn ở trong một mối quan hệ như thế không? Tất nhiên là “Không đời nào”

Một mối quan hệ mạnh mẽ, tích cực được xây dựng trên sự tin tưởng và tôn trọng luôn là điều cần thiết nhất để nuôi dạy nên những đứa trẻ tuyệt vời. Chúng ta đang nuôi dạy trẻ em, những cá nhân đang dần trở thành người lớn. Nói chuyện với họ như người lớn và thảo luận mọi thứ với họ khi bạn không đồng ý.

Có mối quan hệ gần gũi, ấm áp và chấp nhận với cha mẹ là yếu tố dự báo mạnh mẽ nhất cho sự thành công trong tương lai. Nó cung cấp cho con bạn một nền tảng vững chắc cho thành tích trong tương lai của chúng.

3. Ngừng kiểm soát quá mức để giảm căng thẳng

Có thể nói không cường điệu hóa, trẻ em hôm nay là thế hệ bị kiểm soát gắt gao nhất trong lịch sử. Nếu bạn nghi ngờ những đứa trẻ và thanh thiếu niên hiện nay thực sự có ít quyền kiểm soát như thế như thế nào, hãy ngồi xuống, tĩnh tâm và nghĩ về những ngày bình thường của chúng: Sáng dậy vào bất kỳ giờ nào mà bố mẹ gọi, ngồi sau (hoặc trong) xe bố mẹ lái, phải ngồi yên trong lớp mà chúng không được chọn, nghe giảng cả ngày với giáo viên ngẫu nhiên, cùng những đứa trẻ được chỉ định vào lớp một cách tình cờ, phải xếp hàng ngay ngắn, ăn uống theo lịch trình, món ăn như nhau cho tất cả những đứa trẻ khác nhau, và dựa vào ý muốn bất chợt của giáo viên để được phép đi vệ sinh. Về đến nhà chúng lại phải ăn những thứ chúng ta cho rằng tốt cho sức khỏe, học thêm những kỹ năng hoặc kiến thức mà chúng không hứng thú hoặc chẳng biết phải làm gì, đi ngủ vào giờ mà cha mẹ cho là hợp lý, và nghe những điều mà bạn chưa nói ra chúng đã biết là sẽ nói gì..Và hãy nghĩ xem chúng ta đánh giá chúng như thế nào: “chưa nỗ lực”, “cứng đầu”, “lười biếng”, “chưa toàn diện” hay “hãy nhìn con nhà người ta”. Hãy tự hỏi, trong một ngày, điều gì là điều mà con bạn có quyền tự kiểm soát.

Và như chúng ta đã biết: Bị kiểm soát là điều gây căng thẳng khủng khiếp nhất trong tất cả các nguyên nhân. (xem bài liên quan). Điều đó cũng có nghĩa, bị kiểm soát là kẻ thù của dopamine và dĩ nhiên nó triệt tiêu sự hưng phấn, niềm vui và động lực học tập.

Trẻ em, đặc biệt là thanh thiếu niên, không thể có động lực khi chúng cảm thấy bị kiểm soát hoặc áp lực học tập. Họ cần phải sẵn sàng học tập để có động lực để làm như vậy. Khi thanh thiếu niên được phép tự quyết định những hoạt động sẽ tham gia, họ sẽ tự chủ để làm những việc mà họ cho là có giá trị. Điều quan trọng là giúp họ tiếp thu những lý do để học tập. Trẻ em, đặc biệt là thanh thiếu niên, tiếp thu các giá trị của những người mà chúng cảm thấy được kết nối.

Nhưng để làm được điều này, bạn cần khôi phục lại mối quan hệ bền chặt với con cái. Mang lại cảm giác kiểm soát lành mạnh cũng có nghĩa là con bạn sẽ chịu trách nhiệm về những việc mà lẽ ra chúng phải chịu trách nhiệm. Công việc ở trường phải là trách nhiệm của con bạn, không phải của bạn. Vì vậy, hãy đặt họ vào ghế lái và để họ đảm nhận việc đó.

Tự chủ là động lực quan trọng nhất. Các nghiên cứu cho thấy rằng nếu không có cảm giác kiểm soát, con bạn sẽ không có động lực học tập ngay cả khi tất cả các mục khác trong danh sách này đều có mặt.

4. Trao quyền tự chủ để tăng động lực

Quá trình trẻ lớn lên cũng là quá trình thay đổi, điều chỉnh các giới hạn về quyền và nghĩa vụ của trẻ. Cha mẹ cần trao quyền tự chủ cho con kèm theo trách nhiệm.

Việc trao quyền tự chủ cho con trong việc học giúp trẻ cảm thấy mình được tôn trọng, được tin tưởng, qua đó tăng cường hả năng tự kiểm soát, thức đẩy động lực học tập.

Tuy thế việc trao quyền tự chủ một cách vội vã hoặc cẩu thả sẽ gây nhiều mối hại.

Khi một thiếu niên luôn bị kiểm soát đột nhiên được tự do, một số người trong số họ sẽ lợi dụng điều đó và ngừng làm mọi việc. Một số khác được trao quyền tự chủ vượt quá khả năng xử lý và chịu trách nhiệm có thể khiến họ căng thẳng hơn, lo sợ hơn và ít an toàn hơn

Cha mẹ cần lưu ý, việc trao quyền tự chủ cho con không phụ thuộc vào mong muốn của cha mẹ, cũng không phụ thuộc vào mong muốn của trẻ, nó phụ thuộc vào sự sẵn sàng đảm nhận sự tự chủ của trẻ. Cha mẹ cần kiểm tra sự sẵn sàng của trẻ để trao quyền. Trong trường hợp sự trao quyền thất bại, con không thể đảm nhận được quyề tự chủ của mình, cần giúp đỡ, tha thứ, điều chỉnh thậm chí rút lại quyền tự chủ. Khi điều này xảy ra, các hậu quả tự nhiên, hậu quả logic hợp lý cần được sử dụng để trẻ có thể học hỏi từ sai lầm, xây dựng lại lòng tin từ bố mẹ.

Khi buộc phải áp dụng các biện pháp kỷ luât, mối liên kết giữa cha mẹ và con cái có thể ị tổn hại, vì thế việc xây dựng lại mối quan hệ cha mẹ và con cái là việc phải thực hiện mỗi ngày trên cơ sở của kỷ luật tích cực, mềm mỏng mà kiên quyết, minh bạch, rõ ràng, tôn trọng và thấu hiểu.

5. Hỗ trợ năng lực tự chủ để tăng động lực học tập

Khoa học về quyền tự quyết chỉ ra rằng ý thức về năng lực của mình có thể cải thiện động lực làm việc của một người. Điều đó có nghĩa nếu trẻ ý thức được rằng mình có khả năng làm chủ việc học thông qua những kết quả tích cực thì động lực học tập của trẻ cũng được tăng lên. Cảm giác làm chủ có thể phát triển khi con bạn giải quyết một nhiệm vụ đủ dễ để hoàn thành, nhưng đủ khó để chúng cảm thấy bị thách thức.

Khả năng tự chủ, làm chủ không tự nhiên mà đến, nó cần được rèn luyện, học hỏi và rất cần được hỗ trợ khi cần thiết. Giúp thanh thiếu niên có sự cải thiện kết quả ở trường như một sự kích thích có thể giúp nâng cao lòng tự trọng bên cạnh năng lực của họ.

Nếu một môn học quá khó, bạn sẽ khó cảm thấy có động lực để làm điều gì đó mà bạn không giỏi. Nếu con bạn đang gặp khó khăn với bài tập ở trường vì học không tốt, hãy cân nhắc việc thuê một gia sư để giúp đỡ. Điều đó là cần thiết cho một giai đoạn khởi động để lấy động lực, sự tự in và cảm giác về năng lực.Tìm một gia sư hay một trung tâm phù hợp nơi có thể cải thiện kết quả cho con bạn trong một giai đoạn cụ thể, điều đó có thể giúp con bạn có động lực để theo đuổi việc học trong lâu dài.

Nếu trường học quá dễ, hãy tìm các lớp học bổ sung hoặc tài liệu để con bạn học. Trong mọi trường hợp, hãy lôi kéo họ đưa ra quyết định đó để họ có thể cảm thấy kiểm soát được việc học của mình.

6. Khuyến khích hoạt động thể lực để tăng cường Dopamine

Một cách để giúp thanh thiếu niên tăng cường mức độ dopamine của họ là tập thể dục. Hãy tìm hiểu xem con bạn thích môn thể thao hay thể dục nào? Nếu con bạn có chút năng khiếu về môn đó thì càng tốt. Các hoạt động thể chất có thể giúp điều chỉnh giải phóng dopamine trong não

Ngoài ra, các bài tập có thể cải thiện tâm trạng và sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên. Tập thể dục cũng liên quan đến chức năng nhận thức nâng cao và tính linh hoạt của não. Có một tâm trạng tốt hơn cho phép xây dựng mối quan hệ dễ dàng hơn và não bộ hoạt động tốt hơn sẽ tạo điều kiện cho thanh thiếu niên thành thạo.

Khuyến khích con bạn tập thể dục mỗi ngày để tăng cường sức khỏe và động lực học tập.

Lời cuối.

Cách thức hình thành, duy trì và bị triệt tiêu của động lực rất phức tạp, bởi vì bộ não con người là một trong những hệ thống phức tạp nhất trên thế giới. Khi công nghệ tiến bộ, các nhà khoa học bắt đầu hiểu rõ hơn về nó. Các chiến lược của chúng ta trong việc nuôi dạy con cái ở tuổi thanh thiếu niên cũng phải thích ứng khi chúng ta có nhiều kiến thức hơn về cách thức hoạt động của bộ não hơn.

Việc tạo động lực cho con cần phải thực hiện một cách kiên trì, thường xuyên, liên tục và không phải luôn cho kết quả nhìn thấy được trong ngắn hạn, nhưng nó là cách tốt nhất để duy trì việc học tập tự chủ và lâu dài. Chừng đó cũng đủ để chúng ta lưu tâm và cố gắng!

Comments